Như bài và chùm ảnh "Xẻ thịt Vườn Quốc gia Ba Bể" (đăng ngày 1.4.2010) mà Lao Động đã phản ánh, rõ ràng, đây không phải lần đầu tiên những cây gỗ nghiến của Vườn Quốc gia Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) bị thảm sát.
Vừa qua, Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm Việt Nam đã kiểm tra, triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại UBND tỉnh Bắc Cạn với nhận định tình hình phá rừng trên địa bàn, trong đó có VQG Ba Bể là hết sức nghiêm trọng...
Đầu tháng 9, theo sự chỉ dẫn của anh Triệu Văn H, người dân xã Quảng Khê, chúng tôi kỳ công vượt đèo dốc, có mặt ở khu rừng giữa hai cột mốc số 48 và 49, thuộc khu giáp ranh và vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể. Mới tới đầu thôn Bảm Lồm (xã Nam Cường), thấy có người lạ, một người dân địa phương bắt đầu kêu lên và hú vang khắp núi rừng rồi cứ thế nói cười lung tung như một người không bình thường. Anh H, người dẫn đường cho biết: “Ở đây không có sóng điện thoại nên mỗi khi thôn xuất hiện người lạ là họ hú lên báo cho những người trong rừng biết để trốn”.
Sau gần 60 phút đi bộ luồn lách theo các ngách đá tai mèo, trước mắt là cột mốc số 49 bằng ximăng đã bị lâm tặc đập nát bét. Mới qua cột mốc số 49 khoảng 200m là cả một thảm rừng hàng chục cây, toàn là gỗ nghiến cổ thụ đường kính từ 80cm - 1m50 bị lâm tặc dùng cưa máy cắt đổ ngổn ngang. Những thân cây dài tới gần 30 mét nằm sóng soài “phơi thây” theo sườn dốc, “gối” lên những hòn đá tai mèo rắn chắc.
Anh H tiếp tục dẫn chúng tôi đi sâu thêm vào gần cột mốc số 48, theo anh trong đó có rất nhiều cây nghiến 2 - 3 người ôm không xuể mới bị lâm tặc cưa đổ cách đây ít ngày nhưng chưa thấy xẻ. Tới nơi, cảnh tượng thật kinh hoàng, những gốc nghiến khổng lồ vẫn còn đang rỉ “máu”. Rừng nghiến vài trăm năm tuổi mọc trên núi đá đã bị “tử hình” la liệt.
Qua tìm hiểu được biết việc khai thác trái phép gỗ nghiến thuộc Vườn Quốc gia Ba Bể diễn ra đã lâu. Hàng trăm cây gỗ nghiến đã “không cánh mà bay” ra khỏi Vườn Quốc gia Ba Bể. Liệu đó có phải là do kiểm lâm quản lý quá lỏng lẻo? Hay những hình phạt dành cho lâm tặc chưa đủ tính răn đe...?
Đem những câu đó ra hỏi ông Nguyễn Văn Quốc, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Quảng Khê, có nhiệm vụ bảo vệ rừng khu vực cột mốc số 48 và 49 của vườn thì nhận được lời phân trần: “Chúng tôi làm hết cách rồi nhưng vẫn chưa bắt được ai (thủ phạm phá rừng), chỉ thu được 4 - 5 chiếc cưa máy. Họ chặt xuống nhưng chưa xẻ, lại xẻ vào ban đêm nên rất khó bắt, chúng tôi vẫn đang tìm cách phục bắt. Chúng xẻ nhiều nhất vào cuối năm 2009, đầu năm 2010, cả vùng ven giáp ranh và vùng lõi bảo vệ nghiêm ngặt của vườn. Chúng tôi vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm tra”.
5 tháng trôi qua, kể từ vụ việc mà Lao Động đã phản ánh về “Xẻ thịt Vườn Quốc gia Ba Bể” thì hiện tượng phá rừng trong khu bảo vệ nghiêm ngặt không những không chấm dứt, mà nó còn bị đẩy lên đến “cao trào”, ở một địa bàn các xã khác, lại cũng là vùng lõi của vườn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét